Từ năm 1987, các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành lập Ngày Thế giới Không Thuốc lá, chọn ngày 31/5 với mục đích của ngày này là gây sự chú ý của cộng đồng đến tác hại của thuốc lá đối với người hút chủ động cũng như bị động, mà hàng năm cướp đi sinh mạng của 5,4 triệu người trên toàn cầu.
Cụ thể, hút thuốc dẫn đến bệnh tật, khuyết tật và gây hại cho gần như mọi cơ quan của cơ thể. Hút thuốc gây ung thư, bệnh tim, đột quỵ, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao, một số bệnh về mắt và các vấn đề về hệ thống miễn dịch, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp. Tiếp xúc với khói thuốc thụ động góp phần gây ra khoảng 41.000 ca tử vong ở người lớn không hút thuốc và 400 ca tử vong ở trẻ sơ sinh mỗi năm.
Hút thuốc thụ động gây đột quỵ, ung thư phổi và bệnh tim mạch vành ở người lớn. Trẻ em tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ cao mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, bệnh tai giữa, hen suyễn nặng hơn, các triệu chứng hô hấp và phổi chậm phát triển. Không có mức độ an toàn khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động (SHS); ngay cả khi tiếp xúc trong thời gian ngắn cũng có thể gây hại ngay lập tức. Hút thuốc lá thụ động ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản ở phụ nữ, bao gồm cả cân nặng sơ sinh thấp. Phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động có thể gây ra các tác động gây viêm nhiễm và hô hấp có hại trong vòng 60 phút sau khi tiếp xúc và có thể kéo dài ít nhất ba giờ sau khi tiếp xúc.
Ngoài thuốc lá truyền thống, hiện nay việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery – ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product – HTPs) đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng đặc biệt trong đối tượng thanh thiếu niên. Nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm này. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, bên cạnh các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, còn nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh thiếu niên, đồng thời gây ra các tác hại trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.
Để kịp thời ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTH thuốc lá) – Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCSHCM, các Tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông và các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm này. Trường Cao đẳng Y tế Bắc Ninh cũng tiến hành các buổi toạ đàm trong các buổi sinh hoạt định kì để cung cấp kiến thức về tác hại thuốc lá điện tử và nói chuyện, trao đổi với các lớp sinh viên về nội dung này.