Bộ gen di truyền của cả cha và mẹ luôn có vai trò quan trọng nhất trong việc xác định chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất có ảnh hưởng mà còn có nhiều yếu tố bên ngoài khác như điều kiện sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Nếu biết cách tập luyện và kiên trì ứng dụng, những điều này có thể ảnh hưởng tích cực đến chiều cao của trẻ em một cách đáng kể. Vậy thì các yếu tố nào ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ và các biện pháp can thiệp như nào?
- YẾU TỐ GEN DI TRUYỀN
Yếu tố di truyền được coi là quyết định một phần lớn về chiều cao của bạn, có thể chiếm 60% của chiều cao cuối cùng. Nghiên cứu trên 700.000 đối tượng: có 83 gen có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiều cao, trong số đó, có những gen có thể ảnh hưởng đến 2cm chiều cao. Một số gen quyết định sự phát triển của các đĩa tăng trưởng trong khi một số khác ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tăng trưởng.
Ngoài ra còn có một số bệnh lý di truyền ảnh hưởng đến chiều cao. Các bất thường di truyền bẩm sinh (nhiễm sắc thể, gene) có thể làm cho trẻ chậm tăng trưởng. Một số các bệnh lý di truyền hiếm đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiều cao của trẻ (gây lùn), ví dụ: bệnh loạn sản xương-sụn bẩm sinh (gây ra bởi đột biến trên gen FGFR3). Hội chứng Turner gây ra bởi một nhiễm sắc thể X bị thiếu hoặc bất thường làm cho trẻ bị lùn và chậm dậy thì.
2. CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG
Trong ba năm đầu đời và xoay quanh cột mốc trẻ dậy thì, sự phát triển thể chất của trẻ xảy ra một cách vượt bậc, thậm chí cha mẹ có thể thấy rõ qua từng tuần, từng tháng. Để được như vậy, khía cạnh quan trọng nhất làm tăng chiều cao cho con là bạn cần đảm bảo bé có được một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Một cơ thể khỏe mạnh luôn cần được đảm bảo có đầy đủ dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm là: bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trong 4 nhóm này thì có 3 nhóm đầu có vai trò cung cấp năng lượng (tính bằng Kcal) cho các hoạt động sống; nhóm thứ 4 tuy không cung cấp năng lượng nhưng nếu thiếu sẽ để lại những hậu quả xấu cho sức khỏe
Tùy vào từng độ tuổi, cơ địa cũng như mỗi giai đoạn phát triển mà cơ thể sẽ cần được cung cấp dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm này với tỉ lệ khác nhau. Mỗi nhóm thực phẩm đều có vai trò riêng, hỗ trợ nhau để nuôi dưỡng cơ thể. Do đó, cung cấp đầy đủ 4 nhóm thực phẩm luôn là vấn đề cần thiết để đảm bảo cho cơ thể khỏe mạnh và giàu sức sống, tăng sức đề kháng để phòng ngừa trước sự xâm nhập của các tác nhân gây hại cho sức khỏe
2.1. Vai trò của từng nhóm thực phẩm đối với cơ thể
2.1.1. Nhóm bột đường
– Những thực phẩm điển hình: gạo, bánh mì, mì,, miến, bún, khoai lang, khoai tây, ngô,…
– Vai trò:
+ Chiếm 60 – 65% tổng năng lượng khẩu phần hàng ngày, cung cấp năng lượng cho cơ thể.
+ Thành phần cấu tạo nên các mô và tế bào.
+ Hỗ trợ cho sự phát triển của não và hệ thần kinh.
+ Điều hòa mọi hoạt động bên trong cơ thể.
2.1.2. Nhóm chất đạm
– Thực phẩm điển hình: các loại thịt, sữa, trứng, cá, cua, tôm, đậu nành, đậu đỏ, đậu xanh,…
– Vai trò:
+ Cung cấp năng lượng cho các hoạt động thường ngày của cơ thể.
+ Cung cấp nguyên liệu để xây dựng tế bào, răng, xương, cơ,…
+ Nguyên liệu tạo nên dịch tiêu hóa, hormone, các loại men bên trong cơ thể để điều hòa hoạt động và tạo ra kháng thể chống lại bệnh tật.
+ Vận chuyển các loại dưỡng chất.
+ Điều hòa khả năng cân bằng nước.
Vai trò của chất đạm đối với cơ thể
2.1.3. Nhóm chất béo
– Thực phẩm điển hình: mỡ động vật, dầu thực vật, bơ,…
– Vai trò:
+ Cung cấp năng lượng dạng đậm đặc nhất: 1g chất béo có thể cung cấp cho cơ thể 9Kcal năng lượng.
+ Là nguồn dự trữ năng lượng của cơ thể dưới dạng các mô mỡ.
+ Hỗ trợ hấp thu vitamin tan được trong dầu mỡ.
+ Cần cho sự phát triển hệ thần kinh và tế bào não
+ Tổng hợp một số hormone quan trọng.
2.4. Vitamin và khoáng chất
2.1.4.1. Vitamin
– A: có thể tan trong chất béo và rất cần cho sự phát triển của hệ xương, da, niêm mạc, giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ nhiễm trùng. Thiếu vitamin A sẽ gây ra hàng loạt hệ lụy như: chậm lớn, khô mắt, trẻ nhỏ dễ bị nhiễm trùng, khả năng miễn dịch suy giảm,…
– D: tan được trong chất béo, có tác dụng hỗ trợ cơ thể hấp thu canxi và phốt pho tốt hơn để có được hệ xương vững chắc. Thiếu vitamin D dễ gây loãng xương ở người lớn và còi xương ở trẻ nhỏ.
– B: tan trong nước, có tác dụng tạo ra năng lượng từ thức ăn cho cơ thể và bảo vệ hàng loạt chức năng quan trọng trong cơ thể.
– C: tan được trong nước. Sự có mặt của vitamin C giúp cho vết thương mau lành; cấu trúc của mạch máu, da, răng và xương được bảo vệ; hỗ trợ việc hấp thu acid folic, canxi và sắt trở nên dễ dàng hơn.
– Axit folic: có nhiều ở các loại rau lá. Vi chất này rất cần cho sự sinh trưởng và phát triển bình thường của cơ thể. Nếu thiếu axit folic dễ bị thiếu máu dinh dưỡng.
2.1.4. 2. Khoáng chất
– Canxi
+ Là thành phần xây dựng nên răng và xương.
+ Hỗ trợ quá trình tăng trưởng và sự phát triển ở trẻ.
+ Có mặt trong nhiều phản ứng sinh hóa của cơ thể: đông máu, dẫn truyền thần kinh, co cơ, hấp thu vitamin B12,…
+ Khả năng hấp thu Canxi của cơ thể tăng lên khi cơ thể được cung cấp đầy đủ vitamin D. Nếu chế độ ăn có nhiều acid oxalic và cafein kết hợp với vận động ít dễ làm giảm hấp thu Canxi hoặc khiến cho khoáng chất này bị đào thải khỏi cơ thể.
+ Nếu thiếu Canxi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chiều cao và hệ xương của trẻ.
– Sắt
+ Gắn với protein tạo thành hemoglobin (huyết sắc tố trong hồng cầu) giúp cho oxy được vận chuyển đến khắp cơ thể đồng thời tham gia vào thành phần của các men oxy hóa khử.
+ Cơ thể được cung cấp đủ sắt sẽ phòng ngừa hiệu quả bệnh thiếu máu.
– Kẽm
+ Cần cho sự tăng trưởng, sinh sản và khả năng miễn dịch của cơ thể.
+ Giúp chuyển hóa năng lượng, tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ nhỏ và hình thành nên các tổ chức bên trong cơ thể.
+ Trẻ bị thiếu kẽm sẽ chậm lớn, suy giảm đề kháng và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
– Iốt
+ Giúp duy trì sự hoạt động bình thường của tuyến giáp, phòng ngừa thiểu năng trí tuệ và bệnh bướu cổ.
+ Thiếu Iốt ảnh hưởng đến khả năng phát triển của não bộ.
+ Thai phụ thiếu Iốt ảnh hưởng lớn đến thai nhi: tăng tỷ lệ tử vong thai nhi hoặc sau sinh, trẻ nhỏ kém thông minh,…
+ Dùng muối ăn có bổ sung I ốt giúp phòng ngừa hiệu quả các rối loạn do thiếu Iốt.
2.2. Tháp dinh dưỡng cho từng nhóm tuổi
Thực hiện theo tháp dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng quốc gia.
Tránh các thực phẩm nhiều đường, muối, rượu, thuốc lá và các chất kích thích khác có thể gây ức chế hormon tăng trưởng, tăng đào thải và cản trở hấp thu Canxi.
3. HORMON VÀ RỐI LOẠN NỘI TIẾT
Theo chia sẻ của Thạc sĩ Bắc, các hormone đóng vai trò rất quan trọng cho quá trình điều hòa phát triển cơ thể. Ảnh hưởng rất nhiều đến cả hấp thu, chuyển hóa các chất dinh dưỡng. Sự tăng trưởng bao gồm hormone tăng trưởng được tạo ra từ tuyến yên (GH), hormone tuyến giáp, hormone tuyến sinh dục (testosterone và estrogen) và một số nội tiết khác insulin, adrenalin, các yếu tố tăng trưởng do gan tiết ra IGF1, IGF2…chi phối rất nhiều đến phát triển cơ bắp, xương của cơ thể. Bất thường của các hormon này đều làm thay đổi sự phát triển, hay chiều cao nói chung. Mất cân bằng nội tiết tố như thiếu hormone tăng trưởng hoặc hormone tuyến giáp thấp dẫn đến tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức trung bình khiến trẻ thấp hơn dự kiến nếu không được điều trị. trẻ mắc bệnh bất thường bẩm sinh các cơ quan, bệnh mắc phải mạn tính (bệnh thận, gan mật, tim mạch,..) thường ít nhiều bị chậm tăng trưởng. Một số loại thuốc, nhất là việc sử dụng lâu dài các chế phẩm của corticosteroid như prednisone, betamethasone,… có thể ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc gì, cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ để có chỉ định phù hợp, tránh lạm dụng thuốc.
Một số tình trạng sức khỏe, môi trường, tâm lý thói quen có thể làm tăng cortisol và giảm sự bài tiết và sử dụng của hormon GH sẽ làm hạn chế phát triển chiều cao
4. VẬN ĐỘNG VÀ GIẤC NGỦ
Một trong những yếu tố phổ biến hiện nay cản trở sự phát triển chiều cao của trẻ là ngủ không đủ giấc. Trẻ thường ngủ muộn và dậy sớm. Trong khi đó, hai thời điểm cơ thể giải phóng ra lượng hormone tăng trưởng nhiều nhất, cao gấp 5 – 7 lần ban ngày là từ 23 giờ đến 2 giờ sáng và từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ đi ngủ trước 22 giờ và ngủ đủ giấc theo nhóm tuổi.
Ngủ muộn và dậy sớm có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình tăng trưởng chiều cao và phát triển trí tuệ. Ngủ không đủ giấc trong một thời gian dài có thể cản trở sự phát triển, gây ra các vấn đề sức khỏe khác, làm giảm khả năng tập trung, học hỏi và tham gia các hoạt động trong cuộc sống của trẻ
Trẻ thường dành nhiều thời gian học tập ở lớp, học thêm sau khi tan học hoặc chơi game, xem tivi, điện thoại… Điều này ảnh hưởng nhiều đến thời gian vui chơi, vận động. Tập thể dục thường xuyên rất quan trọng trong việc phát triển thể chất đúng cách bởi vận động giúp tăng cường sức khỏe của xương và các mô cơ.
Trong các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao thì vận động là yếu tố kích thích cơ thể sản sinh ra hormone tăng trưởng (GH) mạnh mẽ nhất. Ths Bắc dẫn nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu bé chỉ chơi thể thao hay vận động trong một buổi tập thì hiệu quả tăng trưởng hormone GH sẽ biến mất ngay sau 24h tập luyện. Tuy nhiên, nếu bé được vận động thường xuyên và điều độ thì hiệu quả sản sinh hormone tăng trưởng chiều cao sẽ gia tăng và duy trì ổn định suốt 24h sau đó.
Do đó, trẻ cần vận động tối thiểu 60 phút mỗi ngày. Bố mẹ có thể chia 60 phút vận động thành nhiều đợt vui chơi. Tham gia tập luyện thể thao giúp trẻ gia tăng mật độ xương, khối lượng cơ bắp và tăng trưởng chiều cao tối ưu
Lựa chọn các hoạt động phù hợp, các môn thể thao, thể dục phù hợp với trẻ: đi bộ, đạp xe, chạy nhảy, bơi lội, ném bóng, cầu lông, các bài tập yoga, kéo giãn…
5. YẾU TỐ BỆNH TẬT
Ngoài các bệnh di truyền, bệnh lý liên quan đến nội tiết đã kể ở trên thì còn có một số bệnh lý ảnh hưởng đến phát triển chiều cao:
- Các bệnh truyền nhiễm,
- Nhiễm giun sán
- Bệnh đường hô hấp mạn tính, bệnh lý về gan, thận, tim mạch, béo phì, trầm cảm.
Để trẻ khỏe mạnh và phát triển tối ưu, cần can thiệp đến tất cả các yếu tố kể trên. Và có một chế độ sinh hoạt khoa học, kỷ luật. Một môi trường sống trong lành và một môi trường tâm lý lành mạnh, hạnh phúc.