Loạt bài viết truyền thông Chủ đề Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2025: “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai”.
Trong những năm gần đây, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp với tần suất và cường độ các hiện tượng cực đoan như mưa lớn, mưa đá, bão, lũ lụt và lũ quét gia tăng đáng kể. Những hiện tượng này không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản mà còn đe dọa tính mạng con người nếu không có sự chuẩn bị và ứng phó kịp thời.
Việc chủ động phòng tránh, nâng cao nhận thức cộng đồng và tuân thủ hướng dẫn an toàn là yếu tố then chốt để giảm thiểu rủi ro. Dưới đây là một số hướng dẫn cơ bản, dễ nhớ và cần thực hiện nghiêm túc khi xảy ra từng hiện tượng cụ thể:
1. An toàn khi có mưa lớn kéo dài

Mưa lớn kéo dài có nguy cơ gây ra sạt lở đất, ngập úng, lũ quét bất ngờ.
Hướng dẫn an toàn:
• Theo dõi bản tin dự báo thời tiết hàng ngày từ các nguồn chính thống (VTV, Đài khí tượng thủy văn).
• Không đi ra ngoài nếu không thực sự cần thiết khi mưa lớn đang diễn ra.
• Kiểm tra hệ thống thoát nước quanh nhà, khơi thông cống rãnh.
• Di chuyển vật dụng có giá trị lên nơi cao ráo, chuẩn bị sẵn đèn pin, nước sạch, thực phẩm khô.
Cảnh báo cho người thân và hàng xóm nếu khu vực có nguy cơ sạt lở.
2. An toàn khi có mưa đá
Mưa đá có thể gây ra chấn thương do đá rơi, vỡ mái tôn, kính, thiết bị điện

Hướng dẫn an toàn:
• Ở trong nhà, tránh xa cửa sổ và các vật dễ vỡ.
• Nếu đang ở ngoài trời: tìm nơi trú ẩn an toàn như nhà kiên cố, mái hiên vững chắc. Tuyệt đối không trú dưới cây to, biển quảng cáo.
• Che chắn mái nhà bằng vật liệu bền nếu khu vực thường xuyên xảy ra mưa đá.
• Sau mưa đá, kiểm tra mái nhà, đường điện, tránh chạm vào dây điện rơi.


3. An toàn khi có bão
Nguy cơ: Tốc độ gió mạnh, mưa to kéo dài, cây cối đổ, mất điện, tai nạn giao thông.
Hướng dẫn an toàn:
• Cập nhật thông tin bão từ nguồn đáng tin cậy.
• Cố định mái nhà, cửa sổ, chặt tỉa cây cối gần nhà.
• Dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men ít nhất cho 3 ngày.
• Không ra ngoài trong lúc bão đang hoạt động.
• Tắt cầu dao điện nếu nhà có nguy cơ bị ngập.
• Sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền nếu ở khu vực nguy hiểm.

4. An toàn khi xảy ra lũ – ngập lụt

Nguy cơ: Nước dâng nhanh, nhiễm bẩn nguồn nước, điện giật, giao thông bị chia cắt.
Hướng dẫn an toàn:
• Di dời người và tài sản lên nơi cao ráo.
• Tuyệt đối không đi qua đoạn đường bị ngập sâu, đặc biệt là khi không rõ độ sâu. Ngắt điện toàn bộ khi nước bắt đầu vào nhà.
• Không dùng nước ngập chưa qua xử lý để ăn uống. Chuẩn bị áo phao, can nhựa, lốp xe để nổi – phòng trường hợp khẩn cấp.

5. An toàn khi có lũ quét
Nguy cơ: Nước cuốn đột ngột, tốc độ lớn, bùn đất – đá trôi, phá hủy nhà cửa.
Hướng dẫn an toàn
• Luôn cảnh giác nếu sống ở vùng đồi núi, thung lũng, gần suối.
• Không ngủ qua đêm ở lán trại ven suối, sườn núi trong mùa mưa.
• Nếu phát hiện dấu hiệu như nước suối đổi màu đục, có âm thanh lạ như tiếng đất đá trượt: báo động ngay và di chuyển lên nơi cao.
Chuẩn bị sẵn lối thoát hiểm và phương án sơ tán nhanh.
• Không quay lại khi chưa có thông báo an toàn từ chính quyền.

Thiên tai không thể tránh, nhưng có thể phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại nếu mỗi người dân đều chủ động chuẩn bị và nâng cao ý thức cộng đồng. Hãy chia sẻ những hướng dẫn trên đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp để cùng nhau bảo vệ an toàn cho bản thân và người xung quanh. “Chủ động phòng tránh – Chung tay ứng phó – Giảm thiểu thiệt hại” là trách nhiệm của mỗi chúng ta.