Từ “tanin” được dùng đầu tiên vào năm 1796 để chỉ những chất có mặt trong dịch chiết từ thực vật có khả năng kết hợp với protein của da sống động vật làm cho da biến thành “da thuộc” không thối và bền gọi là thuộc da. Do đó, tannin được định nghĩa như sau: Tannin là những hợp chất polyphenol có trong thực vật, có vị chát được phát hiện dương tính với thí nghiệm thuộc da và được định lượng dựa vào mức độ hấp phụ trên bột da sống chuẩn. Định nghĩa này không bao gồm những chất phenol đơn giản hay gặp cùng với tannin như acid gallic, các chất catechin, acid chlorogenic … Mặc dù những chất này ở những điều kiện nhất định có thể cho kết tủa với gelatin và một phần nào bị giữ trên bột da sống. Chúng được gọi là pseudotanin. Cơ chế thuộc da được giải thích do tanin có nhiều nhóm OH phenol, tạo nhiều dây nối hydro với các mạch polypeptide của protein. Nếu phân tử tanin càng lớn thì sự kết hợp với protein càng chặt. Phân tử lượng tannin phần lớn nằm trong khoảng 500 – 5.000. Tanin gặp chủ yếu trong thực vật bậc cao ở cây 2 lá mầm. Thường gặp nhất ở các họ: Sim, Hoa hồng, Đậu, Bàng … Một số tannin được tạo thành do bệnh lý khi cây bị sâu chích vào để đẻ trứng tạo nên “Ngũ bội tử”. Một số loại Ngũ bội tử chứa đến 50 – 70% tannin.
Một số dược liệu chứa tanin:
1. Ngũ bội tử
Galla chinensis
Dược liệu là tổ đã phơi hay sấy khô của ấu trùng sâu Ngũ bội tử [Melaphis chinensis (Bell.) Baker = Schlechtendalia chinensis Bell.], ký sinh trên cây Muối, tức cây Diêm phụ mộc (Rhus chinensis Muell.), họ Đào lộn hột (Anacardiaceae).
Đặc điểm thực vật:
Cây Muối là cây nhỏ cao 2 – 8 m. Lá kép lông chim lẻ, mép lá chét có khía răng cưa, lá có lông mềm, cuống lá hình trụ có cánh. Cây muối có ở các tỉnh miền núi nước ta như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai. Hiện nay ta vẫn nhập Ngũ bội tử của Trung Quốc.
Đặc điểm dược liệu:
Dược liệu có hình dạng không nhất định. Loại Ngũ bội tử Âu thường là hình cầu có đường kính 10 – 25 mm, trên bề mặt có những nốt nhô lên, có một cuống ngắn. Thành dầy, rắn chắc, màu thay đổi từ xám, xanh nâu đến vàng nâu và thường có một lỗ do sâu khi trưởng thành cắn để chui ra. Loại Ngũ bội tử Á thì to hơn, thành mỏng hơn, dễ vỡ vụn, màu xám hồng, bên ngoài có lông tơ ngắn và rậm. Vị của cả hai loại Ngũ bội tử đều rất chát.
Cây MuốiRhus chinensis Mill. |
Thành phần hóa học:
Thành phần chính là tannin thuộc loại tanin gallic. Ngũ bội tử Âu hàm lượng tanin từ 50 – 70 %. Ngoài ra còn có acid gallic 2 – 4%, acid ellagic, một ít tinh bột và calci oxalat.
Công dụng:
Dùng để chữa viêm ruột mãn tính, giải độc do ngộ độc bằng đường uống alcaloid, kim loại nặng. Liều 2 – 3 g, thuốc sắc.
Ngũ bội tửSchlechtendalia chinensis |
Dùng ngoài bôi để chữa nhiễm trùng da, vết thương chảy máu.
Cách dùng chữa trẻ em loét miệng như sau: phèn chua cho vào ruột Ngũ bội tử, đem nướng nghiền thành bột mịn để bôi.
Ngũ bội tử là nguyên liệu để chế biến tannin kết tinh, chế mực viết.
2. Ổi
Turio Psidii
Dược liệu là chồi kèm theo 2 – 4 lá đã mở của cây Ổi (Psidium guajava L.), họ Sim (Myrtaceae).
Đặc điểm thực vật:
Cây cao 4 – 5m, cành non có 4 cạnh. Lá đơn, mọc đối, hình bầu dục. Lá non phủ lông trắng nhạt, vị chát. Vỏ thân nhẵn, khi già bông ra từng mảng. Hoa trắng mọc riêng lẻ 2 – 3 cái; một ở kẽ lá, 4 – 5 lá đài, 4 – 5 cánh hoa, rất nhiều nhị, bầu dưới 5 ô. Quả hình cầu khi xanh có vị chua và chát, chín có vị ngọt. Cây trồng để ăn quả. Ổi được trồng ở khắp nơi ở nước ta.
Thành phần hóa học:
Búp và lá non chứa tanin 8 – 9%. Trong lá còn có các flavonoid: quercetin, leucocyanidin. Hai flavonoid có tác dụng kháng tụ cầu như: avicularin,guajaverin.
Psidium guajava L. |
Ngoài ra còn có acid crataegolic, chất sáp … Trong quả nhất là quả chưa chín cũng có tannin, flavonoid.
Tác dụng và công dụng:
Các flavonoid trong búp và lá Ổi có tính kháng khuẩn mạnh trên nhiều chủng vi khuẩn gây bệnh.
Búp và lá Ổi được dùng nhiều nơi trên thế giới để chữa đi lỏng, lỵ, tiểu đường. Trong kháng chiến chống Pháp cao búp ổi được dùng chữa đi lỏng, lỵ. Có thể dùng nước sắc để rửa các vết loét, vết thương.
3. Măng cụt
Pericarpium Garciniae mangostanae
Dược liệu là vỏ quả chín phơi hay sấy khô của quả cây Măng cụt (Garcinia mangostana L.), họ Bứa (Clusiaceae).
Đặc điểm thực vật:
Cây to. Vỏ chứa một chất gôm màu vàng. Lá dai, hoa đơn tính hay lưỡng tính 4 lá đài, 4 cánh hoa, nhiều nhị. Bầu 5 – 8 ô, mỗi ô chứa một noãn. Quả mọng có vỏ quả dày khi chín có màu tím và mang đài tồn tại ở gốc. Hạt có áo hạt dày trắng, vị chua ngọt, ăn được. Cây trồng ở miền Nam nước ta để lấy quả ăn.
Thành phần hóa học:
Vỏ quả chứa 8% tannin, chất nhựa và các dẫn xuất xanthon. Các xanthon trong vỏ quả Măng cụt phần lớn là các dẫn chất prenyl hóa. Trong các xanthon, α-mangostin có hàm lượng cao nhất.
Tác dụng và công dụng:
Những chất xanthon của Măng cụt có tác dụng chống viêm, kháng nấm, kháng khuẩn. Vỏ Măng cụt dùng để chữa lỵ, tiêu chảy.