Trong thời gian gần đây, bệnh sởi đang có dấu hiệu quay trở lại với nhiều ca mắc mới, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Vậy bệnh sởi là gì, có triệu chứng ra sao, cách phòng và điều trị thế nào? Hãy cùng tìm hiểu để bảo vệ bản thân và gia đình!
1. BỆNH SỞI LÀ GÌ?
Sởi (Measles) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất dễ lây do virus Paramyxovirus họ Morbillivirus gây ra. Virus sởi lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
Bệnh thường xuất hiện vào cuối đông – đầu xuân, dễ gây dịch bùng phát, đặc biệt tại những nơi mật độ dân cư cao và tỷ lệ tiêm vaccine thấp.
2. CƠ CHẾ LÂY LAN
Đường lây: Hô hấp – qua giọt bắn, dịch tiết mũi họng.
Đối tượng dễ mắc:
+ Trẻ em chưa tiêm chủng đầy đủ
+ Người lớn chưa từng mắc sởi hoặc chưa tiêm vaccine
+ Người có hệ miễn dịch yếu (suy dinh dưỡng, mắc bệnh mạn tính…)
3. TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH SỞI
🔹 Giai đoạn ủ bệnh:
+ Từ 7-14 ngày sau khi tiếp xúc virus
+ Không có biểu hiện rõ ràng
🔹 Giai đoạn khởi phát (3-4 ngày):
Hội chứng nhiễm khuẩn: Sốt cao ≥ 39°C, kéo dài liên tục, kèm theo mệt mỏi, đau đầu, đau cơ khớp.
Xuất tiết niêm mạc:
+ Ở mắt: Đỏ kết mạc, chảy nước mắt, phù mi mắt, sợ ánh sáng.
+ Ở mũi: Hắt hơi, sổ mũi, hiếm khi chảy máu cam.
+ Ở thanh quản: Khàn tiếng, ho khan hay có đờm khò khè.
+ Ở tiêu hoá: Tiêu chảy, đôi khi đau bụng nhẹ.
Dấu Koplik:
+ Là chấm trắng nhỏ, nổi gợn lên trên nền đỏ thẫm ở niêm mạc má, phía trong miệng, ngang răng hàm.
+ Các chấm này tồn tại 24 – 48 giờ và biến mất một ngày trước khi ban mọc.

🔹 Giai đoạn toàn phát (4-6 ngày):
Ban sởi:
+Ban hồng, tròn, sờ mịn, mọc rải rác hay từng đám, xen kẽ khoảng da lành.
+ Ban mọc theo thứ tự: Bắt đầu ở chân tóc, sau tai, lan đến mặt, cổ, lưng, bụng và các chi.
+ Sau ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

🔹 Giai đoạn lui bệnh:
+ Sau 5-7 ngày ban nhạt màu dần, rồi lặn theo thứ tự như mọc, để lại các vết thâm như da hổ
+ Cơ thể dần hồi phục nếu không có biến chứng
4. BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM
Mặc dù sởi là bệnh lành tính ở phần lớn trẻ khỏe mạnh, nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm, nhất là ở trẻ nhỏ, suy dinh dưỡng hoặc miễn dịch kém:
+ Viêm phổi – biến chứng hay gặp nhất
+ Viêm tai giữa
+ Tiêu chảy mất nước
+ Viêm não – màng não (hiếm nhưng cực kỳ nguy hiểm, có thể tử vong hoặc để lại di chứng)
+ Suy dinh dưỡng kéo dài
+ Suy giảm miễn dịch sau nhiễm sởi
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sởi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em do bệnh có thể phòng được bằng vaccine.
5. PHÒNG BỆNH SỞI NHƯ THẾ NÀO?
🌟 TIÊM VACCINE – CÁCH PHÒNG BỆNH HIỆU QUẢ NHẤT
🔸 Lịch tiêm chủng vaccine sởi:
Loại vaccine | Thời điểm tiêm | Ghi chú |
Vaccine Sởi đơn | 9 tháng tuổi | Mũi 1 |
Vaccine Sởi – Quai bị – Rubella (MMR) | 18 tháng tuổi | Mũi 2 |
Trẻ cần tiêm đủ 2 mũi để có miễn dịch bảo vệ bền vững.
Người lớn chưa từng tiêm hoặc không nhớ đã tiêm có thể tiêm bổ sung.
✅ Các biện pháp hỗ trợ khác:
+ Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người trong mùa dịch
+ Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn
+ Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, dụng cụ cá nhân
+ Tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A.
🏥 6. ĐIỀU TRỊ BỆNH SỞI
Hiện nay chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu cho bệnh sởi. Việc điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ:
🔸 Tại nhà (trường hợp nhẹ):
+ Hạ sốt bằng paracetamol, lau mát
+ Nghỉ ngơi, tránh gió
+ Uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu
+ Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch NaCl 0.9%
+ Bổ sung vitamin A (theo chỉ định của bác sĩ):
+ Trẻ 6–11 tháng: 100.000 đơn vị
+ Trẻ ≥ 12 tháng: 200.000 đơn vị
+ Cách ly trẻ ít nhất 7 ngày sau khi xuất hiện ban
🔸 Đưa đến bệnh viện khi có dấu hiệu:
+ Sốt cao không giảm
+ Co giật, lơ mơ, li bì
+ Khó thở, thở nhanh
+ Ăn uống kém, nôn nhiều
+ Ban nổi không theo thứ tự thông thường