Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo virus HMPV không mới, thường lưu hành vào mùa đông xuân, người dân không nên quá lo ngại.
Lần đầu phát hiện vào năm 2001, dù virus lưu hành ở người từ giữa thế kỷ trước
Metapneumovirus được các nhà nghiên cứu virus học Hà Lan phát hiện vào năm 2001. Mẫu xét nghiệm được lấy từ 28 trẻ em ở Hà Lan bị nhiễm trùng đường hô hấp không rõ nguyên nhân. Một số trẻ em trong tình trạng nặng phải thở máy, nhưng không có kết quả xét nghiệm dương tính với bất kể mầm bệnh nào từng biết.
Trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu mới phát hiện ra virus giống với metapneumovirus ở gia cầm và đặt tên cho virus mới là metapneumovirus ở người (gọi tắt là HMPV).
Theo WHO, HMPV cùng với virus cúm và RSV là bộ ba gây nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở trẻ em và người cao tuổi. Xét nghiệm virus hiếm khi được thực hiện bên ngoài bệnh viện nên khó biết số ca bệnh thực sự. Các xét nghiệm chỉ ra rằng, hầu hết trẻ em đã nhiễm virus từ trước khi lên 5 tuổi.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học Lancet Global Health năm 2020 ước tính rằng, trong số trẻ em dưới 5 tuổi, có hơn 14 triệu ca nhiễm HMPV vào năm 2018, dẫn tới hơn 600.000 trường hợp nhập viện và hơn 16.000 trường hợp tử vong. Có khoảng 5 – 16% có biến chứng viêm phổi.
Viêm phổi do Metapneumovirus là gì?
Viêm phổi do Metapneumovirus là tình trạng nhu mô phổi bị viêm nhiễm, bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng do sự xâm nhập và lây lan nhanh chóng của Metapneumovirus.
Trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi và những người có hệ thống miễn dịch yếu là đối tượng dễ mắc viêm phổi do Metapneumovirus. Khi một trẻ nhiễm bệnh sẽ dễ lây bệnh cho người khác trong gia đình, trường học, khu vui chơi… từ đó bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Hơn nữa, khi mắc bệnh, tình trạng bệnh có nguy cơ xuất hiện biến chứng cao hơn.
Dấu hiệu viêm phổi do Metapneumovirus
Sốt, ho, chảy nước mũi, khó thở là những triệu chứng phổ biến của viêm phổi do Metapneumovirus
Các triệu chứng của bệnh viêm phổi do Metapneumovirus thường sẽ có biểu hiện sau khoảng 3-5 ngày kể từ khi bị nhiễm virus gây bệnh. Các triệu chứng ban đầu thường diễn ra ở mức độ nhẹ, dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường như:
- Ho;
- Chảy nước mũi;
- Sốt.
Sau đó, bệnh bắt đầu trở nên tồi tệ hơn sau một vài ngày với các triệu chứng như:
- Sốt cao;
- Khó thở, thở khò khè;
- Ho nặng, có đờm đặc;
- Da, môi tím tái;
- Suy hô hấp
Cách chẩn đoán viêm phổi do Metapneumovirus
Để chẩn đoán viêm phổi do Metapneumovirus, bên cạnh việc thăm khám lâm sàng, hỏi về các tiền sử bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số thủ thuật y khoa để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng của bênh, từ đó, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
- Chụp X-quang phổi ngực;
- Nuôi cấy đờm;
- Xét nghiệm máu;
- Nội soi phế quản;
- Chụp CT;
- Xét nghiệm PCR;
- Xét nghiệm Panel 2.
Điều trị viêm phổi do Metapneumovirus
Trẻ bị viêm phổi nặng do Metapneumovirus được điều trị và chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện
Hiện tại, chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể về thuốc điều trị đặc hiệu hay biến chứng sau khi nhiễm Metapneumovirus. Các phương pháp điều trị hiện có đều hướng đến điều trị triệu chứng, nhiễm trùng và ngăn ngừa xuất hiện biến chứng, gồm:
- Dùng thuốc hạ sốt (paracetamol hoặc ibuprofen) với liều lượng phù hợp khi bệnh nhân sốt cao;
- Uống nhiều nước, nhất là các loại nước ép hoa quả hoặc dung dịch bù nước và điện giải oresol để cân bằng điện giải, bổ sung lượng nước bị mất đi do sốt, nôn ói;
- Thực hiện phương pháp khí dung khi bệnh nhân xuất hiện tình trạng co thắt;
- Hỗ trợ hô hấp bằng các phương pháp thở oxy, máy thở khi bệnh nhân bị suy hô hấp;
- Cân chỉnh chế độ dinh dưỡng để bổ sung năng lượng và nâng cao sức đề kháng cho bệnh nhân;
- Sử dụng các loại thuốc trị ho, sổ mũi,… theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Thông thường, các trường hợp viêm phổi ở mức độ nhẹ, bệnh sẽ tự hết sau khoảng 7 ngày nếu được chăm sóc và hỗ trợ điều trị đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ nếu bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm sau khoảng 7-10 ngày hoặc xuất hiện dấu hiệu bất thường như:
- Sốt cao liên tục;
- Sốt trên 39 độ và không có dấu hiệu hạ thân nhiệt sau khi đã dùng thuốc hạ sốt;
- Khó thở;
- Khò khè nhiều;
- Ăn kém, bỏ ăn, bỏ bú;
- Tím môi, tím đầu chi;
Ngoài ra, khi trẻ mắc bệnh viêm phổi do Metapneumovirus, mẹ có thể theo dõi tại nhà bằng cách đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên, ngủ yên, không quấy khóc. Nếu nhịp thở của trẻ vượt qua các chỉ số sau, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhịp thở trên 60 lần/phút,
- Trẻ từ 2 tháng – 1 tuổi, nhịp thở dưới 50 lần/phút.
Phòng ngừa viêm phổi do Metapneumovirus
Hiện nay, Metapneumovirus chưa có vacxin phòng ngừa, tuy nhiên chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau:
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dưỡng chất và uống đủ nước mỗi ngày;
- Đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng;
- Hạn chế đến những nơi đông người khi dịch bệnh bùng phát;
- Tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu mắc các bệnh về đường hô hấp;
- Xây dựng thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc nước rửa tay có cồn khử khuẩn;
- Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn;
- Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ;
- Thường xuyên khử khuẩn môi trường sống;
- Không hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, khói thuốc lá;
- Hạn chế dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác;
- Tiêm các loại vacxin đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế;
- Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái, thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao;
- Thực hiện phương pháp điều trị dự phòng khi có dấu hiệu viêm phổi và đến bệnh viện ngay khi bệnh trở nặng, nghi ngờ viêm phổi.
Theo nhiều chuyên gia dịch tễ thì Virus HMPV là một virus không mới, đã lưu hành nhiều năm nay, WHO vẫn chưa có cảnh báo về dịch bệnh này mặc dễ lây lan nhưng ít nghiêm trọng hơn virus cúm và covid 19. Về cơ bản HMPV giống cảm lạnh thông thường có tỷ lệ mắc cao vào mùa Đông Xuân cần cảnh giác không chủ quan nhưng không quá hoang mang. Cần theo dõi thông tin thường xuyên để có các biện pháp phòng bệnh phù hợp.
ThS Phạm Văn Bắc